Vừa nhanh tay làm cỏ, vệ sinh vườn, bà Bắc vừa cho biết, hiện gia đình bà có khoảng 1,2 mẫu diện tích trồng với gần 120 cây nhãn, chủ yếu là giống nhãn Hương chi và nhãn Lồng. Theo bà Bắc, năm nay thời tiết rất thuận lợi cho việc ra hoa, đậu quả, không cần phải xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật nhiều, việc chăm sóc cũng đỡ vất vả hơn. Bà cho biết, muốn cho nhãn xanh tốt, khỏe mạnh, luôn được mùa thì người trồng phải biết thâm canh, kết hợp những kinh nghiệm hay với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cho nhãn ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Hàng năm cây nhãn phải huy động một lượng dinh dưỡng khá lớn tập trung cho ra hoa và nuôi quả, nếu không được bổ sung phân bón thường xuyên cây dễ bị kiệt sức, năm sau sẽ cho quả kém hoặc không ra quả, vì vậy việc bổ sung dinh dưỡng cho cây nhãn là rất cần thiết. Việc chăm bón cho cây cần dựa vào các yếu tố như tuổi cây và mức độ sinh trưởng của cây, nhu cầu phân bón trong từng giai đoạn sinh trưởng, do vậy, cùng với các biện pháp kỹ thuật, việc tiến hành một số biện pháp như bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh trong giai đoạn nhãn ra hoa, đậu quả non đóng một vai trò vô cùng quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng cây nhãn.
Xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên hiện có trên 200 ha nhãn đến tuổi cho thu hoạch quả. Trong đó có 54,06 ha nhãn trong vùng xuất khẩu. Diện tích nhãn đường phèn chiếm khoảng 10% diện tích nhãn trong toàn xã, còn lại là các giống nhãn lồng với các giống chủ yếu như Hương Chi, Đường Phèn … Thời điểm này, các diện tích nhãn đang trong giai đoạn quả non và phát triển quả. Để giúp người dân được tiếp cận các biện pháp kỹ thuật chăm sóc quả non được tốt, Uỷ ban nhân dân xã Hồng Nam đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn Vietgap, sau khi nhãn đậu quả từ 15-20 ngày thì tổ chức hướng dẫn cho bà con cắt tỉa để đảm bảo nuôi dưỡng quả được tốt nhất, để chất lượng quả được tốt nhất, mẫu mã đẹp, sản phẩm đồng đều theo đúng quy định. Hướng dẫn bà con bón phân đảm bảo phân hữu cơ và vô cơ được cân bằng; nghiêm ngặt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng “đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng” và không được sử dụng các loại thuốc cấm do thị trường Mỹ cấm và các quy định của pháp luật Việt Nam cấm và phải đảm bảo cách ly sản phẩm 21 ngày sau thu hoạch.
Cắt tỉa những quả nhãn non không đạt yêu cầu
Theo dự kiến, năm 2018 là năm nhãn được mùa, sản lượng nhãn quả xã Hồng Nam ước đạt khoảng 4000 tấn, tăng gần 1000 tấn so với năm 2017, trong đó, sản lượng nhãn trà sớm chiếm 20%, trà muộn khoảng 10%, còn lại là nhãn chính vụ. Để giúp nhân dân bán được nhãn với giá cao và ổn định, tránh nông danh bớt lỗi lo về tình trạng “được mùa rớt giá” UBND xã đã phối hợp với các ngành chức năng ký cam kết với một số doanh nghiệp và các siêu thị lớn bao tiêu sản phẩm với số lượng từ 2-2,5 tấn/ ngày với giá ổn định. Đồng chí Vũ Duy Hân- Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Hồng Nam cho biết: “Để bao tiêu sản phẩm nhãn cho bà con nông dân trên địa bàn, xã đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn của thành phố tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm, kết ứng cung cầu trong nước và quốc tế; đồng thời mời các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Hiện tại trên địa bàn xã Hồng Nam đã có 2 doanh nghiệp đang thương thảo hợp đồng để ký thu mua sản phẩm cho bà con nông dân đó là tập đoàn Vinco, Tvita và một số doang nghiệp khác. Trước mắt các Doanh nghiệp đang thỏa thuận giá tiền của 1kg sản phẩm trà sớm là 50 nghìn đồng/ 1 kg và trà trung, trà muộn là 41 nghìn đồng/ 1kg”.
Nguyễn Hồng - Đài Truyền thanh thành phố