Theo tổng hợp của xã Tân Hưng, toàn xã hiện có hơn 40 hộ làm nghề sản xuất Bún và Đậu phụ, tập trung hầu hết ở thôn Viên Tiêu. Trong đó,hơn30 hộ làm đậu phụ, gần 19 hộ làm bún, thu nhập bình quân từ 200 đến 500 nghìn đồng/ 1 hộ /ngày…Điển hình như hộ Nguyễn văn Tùng, Nguyễn Văn Tiệp, Nguyễn Văn Khiêm mỗi năm trừ chi phí thu về từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Tiệp - một hộ làm bún lâu năm trong thôn được chịThủy con dâu ông Tiệp cho biết: “Gia đình tôi làm nghề này lâu rồi. Bình thường gia đình tôi chỉ làm khoảng 2 tạ gạo/ngày, tương đương 4 tạ bún thành phẩm. Nhưng dịp hè nắng nóng thì trung bình mỗi ngày gia đình tôi làm tới hơn 5 tạ gạo, tương đương hơn 1 tấn bún thành phẩm, vậy mà làm ra đến đâu vẫn hết hàng ngay đến đấy”.
Xưởng sản xuất bún của gia đình ông Nguyễn Văn Tiệp
Gia đình chịThủy hiện có 6 lao động làm nghề. Công việc cứ như một guồng quay, từ sáng đến tối, từ đêm đến sáng. Với hộ làm bún nhiều như nhà chị Thủy, mỗi ngày phải sản xuất 2 ca, 1 ca giao hàng vào buổi tối, một ca giao hàng vào buổi sáng sớm để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Với nghề Đậu Phụ cũng cũng không kém phần sôi động và hối hả. Những thùng, xoong đựng đậu phụ thành phẩm đầy ăm ắp, tỏa mùi thơm dịu nhẹ được các hộ nhanh chóng chuyển lên xe để kịp giờ chợ chiều, phục vụ bữa cơm tối cho người dân.
Anh Thành - một hộ làm đậu phụ lâu năm chia sẻ:
“Nghề truyền thống của ông cha nên dù lấy công làm lãi gia đình tôi vẫn duy trì sản xuất. Mùa nắng nóng đậu phụ bán "chạy" hơn từ 20 – 30%. Ngoài làm Đậu gia đình tôi còn có sản phẩm khác đi kèm đó là nước đậu cũng rất đắt khách. Ngày nào nhà tôi cũng "ra hàng" vào sáng sớm và buổi chiều”.
Với nghề làm bún và làm đậu, nguyên liệu đều đơn giản, sẵn có, vốn ít. Đỗ tương là nguyên liệu làm đậu phụ và gạo là nguyên liệu làm bún, giá dao động trên dưới 10 nghìn đồng/kg. Sau chế biến, mỗi kg gạo sẽ cho ra khoảng 2 kg bún thành phẩm, 1 kg đỗ tương cho hơn 2 kg đậu phụ thành phẩm. Với nghề này các hộ không đòi hỏi lãi cao, bởi là thực phẩm bình dân, giá bình dân, các hộ làm nghề lại đều bán buôn, nhưng lấy công làm lãi, lấy sản xuất nhiều để tăng lợi nhuận. Đối tượng “đổ buôn” là các cửa hàng, các công ty may, các quán cơm, nhà hàng ở thành phố Hưng Yên và các địa bàn lân cận. Làm đến đâu, bán hết đến đấy không lo ế, bởi các hộ sản xuất theo đơn đặt hàng.
Tính trung bình, mỗi lao động ở làng nghề có thu nhập từ 100 – 150 nghìn đồng một người/ngày, với hộ làm nhiều, thu nhập có thể đạt từ trên 200 nghìn đồng/người/ngày. Để tăng năng suất, giảm sức lao động các hộ sản xuất đầu tư nhiều loại máy như: Máy nghiền bột trong làm đậu phụ; máy trộn, vắt bột trong làm bún; máy ép tạo sợi bún thành phẩm… Tuy nhiên, chất lượng thơm ngon của bún và đậu ở Viên Tiêu thì lại ở tay nghề và bí quyết của người dân nơi đây.
Theo đánh giá của xã Tân Hưng, trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm hoạt động sản xuất bún, đậu ở thôn Viên Tiêu đạt doanh thu gần tỷ đồng. Trong thời điểm mà các làng nghề phải đối mặt với khó khăn, nhiều làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một thì hoạt động sôi nổi ở làng nghề làm bún, đậu Viên Tiêu đã tìm được hướng đi riêng. Trong vệ sinh môi trường, thôn có tới 85% hộ làm nghề đều xây dựng hầm khí bi-ô-ga để xử lý nước thải, chất thải, cống rãnh trong làng đã được làm thoáng rộng và có nắp đậy vệ sinh. Thời gian tới địa phương có định hướng quy hoạch lại làng nghề để phát triển bền vững hơn trong những năm tiếp theo..
Ông Trần Văn Thái -Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết:
“Xã Tân Hưng là địa phương thuần nông, nghề làm bún, làm đậu phụ đã giúp hàng trăm lao động trong thôn Viên Tiêu có nghề, có thu nhập quanh năm. Lâu nay số hộ làm nghề và sản lượng bún, đậu làm ra tương đối ổn định.Tính từ đầu năm đến nay, các hộ làm nghề Bún, đậu này hầu như hoạt động suốt ngày đêm”.
Phương Thu - Đài truyền thanh thành phố